CÀ PHÊ ĐẶC SẢN (specialty coffee)

  Cập nhật: 25-06-2023 18:32

+ Cà phê đặc sản là cà phê được ghi nhận có thang điểm từ 80 -100 điểm theo tiêu chuẩn và quy trình của hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) + Cà phê đặc sản là cà phê ngon nhất theo tiêu chí Toàn Cầu + Cà phê đặc sản là cà phê hoàn toàn có thể trồng trọt và chế biến, rang xay tại Việt Nam

 CÀ PHÊ ĐẶC SẢN 
Cà phê đặc sản (specialty coffee) là gì?

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau tuy nhiên đây được xem là định nghĩa đầy đủ nhất dành cho cà phê đặc sản Việt nam.

“Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI)”

Hiện nay, với chất lượng và đẳng cấp của mình, Specialty Coffee nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người sành café. Nhưng điều thú vị hơn cả ở Specialty Coffee có lẽ không phải là hương vị của nó, mà là quy trình sản xuất phức tạp, nhằm đảm bảo kết tinh được những giọt đắng tinh túy nhất trong từng tách cà phê đặc sản.


Tinh túy từ từng hạt cà phê đặc sản

  • Những hạt cà phê để sản xuất Specialty Coffee đều được chọn lọc một cách nghiêm ngặt. Để đảm bảo được điều này, tất cả các công đoạn hái lượm quả đều phải được làm bằng tay, nhằm đảm bảo chỉ có những quả cà phê chin đỏ, mang đến loại hạt tốt nhất được chọn lựa.
  • Những yếu tố như khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng cũng hết sức được chú ý, bởi từng vùng canh tác khác nhau sẽ cho ra những hương vị cà phê khác nhau. Giống cà phê để sản xuất Specialty Coffee rất đa dạng, tuy nhiên, hạt Arabica, với hương vị thơm ngon đặc biệt, vẫn được sử dụng nhiều hơn cả.


Có 3 phương pháp phổ biến để có thể chế biến cà phê đặc sản

  • Phương pháp chế biến ướt: Là phương pháp phổ biến nhất. Quả cà phê sau khi được thu hoạch, sẽ đem tách lấy hạt, và ngâm trong bể nước, để cà phê được lên men và phần nhớt được loại bỏ. Sau đó, hạt cà phê sẽ được đưa qua máng, để một lần nữa loại bỏ nhớt, và cuối cùng được phơi khô trong khoảng 1 tuần
  • Phương pháp chế biến khô: Phổ biến ở Châu Phi, nơi hạn chế về nguồn nước. Quả cà phê sau khi được thu hoạch sẽ được đem đi phơi khô khoảng vài tuần, thậm chí một tháng, Sau khi đã khô, quả cà phê sẽ được đem xay và tách hạt. Phương pháp này sẽ giúp hạt cà phê hấp thu được hết vị ngọt từ quả, tạo nên hương vị cà phê ngọt ngào, phức tạp hơn

 

  • Phương pháp chế biến “mật ong”: Ngay sau khi quả được thu hoạch, phần thịt quả sẽ được loại bỏ, và hạt cà phê, lúc này vẫn được bọc một lớp nhầy, hay còn được gọi là lớp mật ong, sẽ được mang đi phơi khô. Hạt cà phê sẽ hấp thụ vị ngọt từ lớp nhầy này.
  • Sau khi trải qua một trong ba công đoạn chế biến, sản phẩm cà phê nhân sẽ được đem đi kiểm định chất lượng. Chỉ khi vượt qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt của SCAA, với số điểm tối thiểu là 80, sản phẩm cà phê mới được công nhận là Specialty Coffee.
  • Kết tinh hương vị trong từng mẻ rang
  • Cùng với quá trình chọn lọc, chế biến, công đoạn rang xay cũng là một yếu tố tiên quyết đối với hương vị của cà phê. Thông qua quá trình rang xay, hương thơm và vị cà phê được tinh chế từ những phản ứng hóa học phức tạp. Ví dụ như phản ứng Mailard, xuất phát từ sự tác động của nhiệt tới đường và amino axít, tạo ra hàng trăm hương vị khác nhau cho mẻ cà phê.
  • Từ quá trình rang xay, độ axit trong hạt cà phê cũng đươc điều chỉnh, giúp hương vị của cà phê không bị vị chua phá hỏng. Anne Cooper, chuyên gia về rang xay cà phê đã có một so sánh hết sức thú vị:  “Hương vị của cà phê Kenya bị rang thiếu lửa, chẳng khác gì vị của sốt cà chua”
  • Qua bài viết này, Dakland Coffee hi vọng, những người yêu cà phê sẽ có thêm những hiểu biết quý giá về cà phê đặc sản là gì và những câu chuyện đằng sau thuật ngữ Specialty Coffee, để từ đó, chúng ta trân trọng từng ly Cà phê đặc sản Specialty Coffee – một món quà tinh túy từ thiên nhiên và sức lao động cần mẫn của con người.
  • Mặt hàng cà phê đặc sản gia tăng nhanh chóng

  • Đầu những năm 1970, các hãng rang xay và các quán cà phê đặc sản bắt đầu xuất hiện với mật độ ngày càng tăng tại Hoa Kỳ và Canada. Paul và Kathy Leighton bắt đầu với Coffee Corner tại Eugene, Oregon, Bill Boyer với Boyer Coffee Company tại Denver… Tại Canada đã có Murchie ở Vancouver, Ở Toronto, Timothy Snellgrove thành lập Tymothy’s Coffee of the Word… Làn sóng cà phê đặc sản cũng kéo theo các thanh niên trẻ tuổi bước tiếp từ các doanh nghiệp cà phê gia đình như Frist Colony (tiền thân là Gill Brockenbrought ) ở Virginia, hay Van Courtland Coffee (một chi nhánh của Wechsler – hãng rang xay lâu năm ở New York)… còn rất nhiều, nhưng tạm dừng tại đây thôi.
  • Kéo theo sự ra đời của các quán cà phê đặc sản, các bộ dụng cụ pha chế tại gia… còn có các tạp chí am hiểu về cà phê, minh chứng cho mối quan tâm của công chúng đối với cà phê hảo hạng. Trong một năm, giáo sư người Anh Kenneth Davids sở hữu một quán cà phê ở Barkeley, sau đó viết cuốn Coffee: A guide to Buying, Brewing & Enjoying, trong đó người đọc có thể tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản về đánh giá hương vị cà phê của từng nước, tư vấn về thiết bị, hướng dẫn pha chế… Ở trường hợp khác, Joe Schapira cùng với cha – David và anh trai – Karl đã viết cuốn The Book of Coffee & Tea.
  • Sương giá đen và cà phê đặc sản
  • Trong năm 1975, một biến cố quan trọng đã làm chấn động ngành cà phê, đó là tuyết rơi ở Paraná – Brazil (nhà cung cấp một nửa sản lượng cà phê toàn cầu bấy giờ) đây là đợt sương giá tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ quét qua đất nước này. “Cảnh tượng từ không trung của 1.5 tỷ cây cà phê chết trông như một vết cháy đen khổng lồ”. Dù vụ thu hoạch trong năm đã hoàn tất nhưng vì cây cà phê cần đến bốn năm mới cho quả, vì thế thị trường cà phê chính thức bước vào sự chao đảo của cung – cầu, các hoạt động thao túng thị trường nham hiểm trong nhiều năm sau đó. Nhưng một trong những tác động không lường trước của đợt sương giá đen này là sự thúc đẩy mạnh mẽ của cà phê đặc sản.
  • Trên khắp nước Mỹ, người tiêu dùng nhận ra rằng chỉ cần thêm ít tiền là họ có thể mua loại cà phê thực sự rất ngon. Hơn nữa mua cà phê đặc sản trong một của hàng chuyên biệt, đầy mùi thơm, thực sự rất thú vị. Khách hàng có thể trò chuyện với những người chủ rang xay hiểu biết và nhiệt tình luôn vui vẻ chia sẻ những gì liên quan đến cà phê, nào là những tên gọi khác nhau, nguồn gốc, mức độ rang, gợi ý pha trộn… “Có ai đã gọi Maxwell House hoặc Fofgers là ‘lý thú’ chưa? Nhưng tại các cửa hàng cà phê đặc sản thì có, hơn nữa họ còn bán những loại thiết bị lạ lùng – ấm pha Melior của Pháp, phễu Mellitas, máy xay từ Đức, Ý..”

Cuộc cách mạng toàn diện của cà phê đặc sản

  • Đến năm 1980, qua chiến thắng trên thị trường Yuppie – chỉ những thị dân trẻ, sẵn sàng trả tiền cho xa xỉ phẩm của lối sống đô thị, cà phê đặc sản cố thủ trên các thành phố lớn ở bờ biển phía Đông và phía Tây của Hoa Kỳ đã vươn xa hơn ra ngoài khu vực ngoại thành và nông thôn. Vào cuối năm 1982, tờ Money Magazine thừa nhận sự quan tâm của độc giả với ngành cà phê đặc sản: “Cà phê hiếm với giá 10 đô la Mỹ, một Pound gần như bằng với rượu vang trong khái niệm giàu có và xa xỉ”.
  • Cà phê đặc sản, van một chiều và những ông lớn “ngủ vùi”

  • Để vươn tới thị trường cao cấp thông qua các đơn đặt hàng qua thư, các hãng rang xay cà phê đặc sản cao cấp như Community Coffee ở New Orleans, đã phân phối cà phê khắp Hoa Kỳ nhờ ứng dụng bao bì cà phê kết hợp van một chiều, một sự đổi mới bao bì mang tính cách mạng nhất kể từ năm 1900, van một chiều cho phép giải phóng Carbon dioxit ra khỏi cà phê mới rang, đồng thời ngăn không cho oxi đi vào, vì vậy cà phê có thể được bảo quản đến tận 6 tháng. Được một người Ý – Luigi Goglio phát minh vào năm 1970, van một chiều đã được châu Âu sử dụng một thập niên trước khi ngành cà phê đặc sản hoa kỳ phát hiện ra nó vào năm 1982.

  • Vào giữa năm 1990, trong khi cà phê đặc sản cho người sành uống “bùng nổ” và dường như kiểm soát toàn bộ thì một nhà phân tích lưu ý, “những công ty lớn có vẻ đang thần thánh hóa và ra sức diển giải một điều gì đó rất đặc biệt”. Năm 1995, tạp chí Forbes tổng kết số phận các công ty lớn trong một từ “Ngủ quên”. Thông điệp này chuyển tải đến Maxwell House, Folgers & Nestlé (ba ông lớn trong ngành cà phê hòa tan) “thức dậy và ngưởi mùi cà phê mới xay đi”. Cũng trong thời gian này, chúng ta đã chứng kiến một sự vươn lên của “cây đậu thần Starbuck” với sự dẫn dắt của Howard Chultz (nội dung này sẽ tốn không ít câu từ, mà tốt nhất là tạm gác sang một bài khác).

  • Một thị trường chín mùi.

  • Đến giữa thập niên, đã có dấu hiệu cho thấy cuộc cách mạng cà phê đặc sản ở mức ổn định, mặc dù quán cà phê vẫn mọc lên các nhà phân tích đã bắt đầu nói về “bão hòa”. Để phản bác SCAA, đã ước tính, dù đã có hơn 4.000 cửa hàng trong năm 1995, thế kỷ 21 sẽ chào đón hơn 10.000 cửa hàng.

  • Từ ít hơn 100 thành viên trong năm 1985, sau một thập niên hàng ngàn người đã được thêm vào. Hội nghị hàng năm của hiệp hội biến thành cơ hội tiếp thị khổng lồ cho các nhà cung ứng cà phê từ máy rang, máy xay, máy pha đến áo thun có in thông điệp về cà phê, cốc, sách và mọi thứ khác liên quan xa xôi với cà  phê. Những người kỳ cựu phàn nàn rằng các tân tín đồ chỉ thấy đô la trong mắt họ thay vì hạt cà phê (có lẽ cũng đúng thôi, vì một quán cà phê có khi tốn đến 250.000 đô la Mỹ).
  • Đoạn cuối chu kỳ của cà phê đặc sản
  • Nhưng tất nhiên ngành cà phê đặc sản không tự nó biến tính, mà cả thị trường ngược lại đã xông vào “hòa tan”. Với sự ra đời của hàng loạt tạp chí cà phê như Coffee Journal, Cups, Café Olé, Coffee Culture.. Hầu hết biến mất nhanh như cốc cà phê sáng với ít ỏi độc giả trung thành. Rồi đến cả cà phê tối, cũng đua theo đà “đặc sản” với sự ra đời của cà phê McDonad’s, 7-Eleven giới thiệu Café Select, với 18 loại hương vị cà phê, Dunkin’ Donuts bắt đầu với cà phê nguyên hạt vào năm 1995…
  • Cuộc chiến bán cà phê đặc sản nguyên hạt cũng là dấu hiệu của sự bão hòa ở các siêu thị. Trong những năm 1980, các cửa hàng thực phẩm hết sức vui mừng khi bán các loại cà phê đặc sản ít người biết bởi lợi nhận cao, nhưng rồi vô số thương hiệu khác ra đời, các siêu thị phải yêu cầu cắt giảm giá thông qua hình thức trợ cấp, phí cửa hàng, khuyến mãi… Các hoạt động này đòi hỏi nhà rang xay phải chi thêm tiền để có thể đưa cà phê của họ lên kệ hàng siêu thị.
  • Cà phê đặc sản khác Cà phê chất lượng cao và Cà phê thông thường!
  • Cà phê đặc sản là một khái niệm được nhắc tới đầu tiên bởi nữ chuyên gia Erna Knutsen năm 1974 trên tạp chí Tea & Coffee Trade Journal. Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt. Điều kiện cần để ra đời cà phê đặc sản phải đạt ≥ 80/100 điểm theo thang điểm(SCA/CQI); Mùi vị đầy đủ; ít hoặc không có lỗi sơ cấp. Bên cạnh đó, để có thể đánh giá chất lượng của loại hạt cà phê, trong quá trình kiểm định để thu mua, những chuyên gia cà phê sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại với những tiêu chí chính như: Thổ nhưỡng, địa điểm gieo trồng, cách thức chăm bón cây cà phê, cách thức thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm.
  • Lợi ích của việc phát triển cà phê đặc sản
  • Thị trường Cà phê đặc sản hiện chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê Thế giới. Cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao cho chất lượng ngành cà phê, ví dụ làm cà phê đặc sản phải hái trái chín, khắc phục hiện trạng thu hái cà phê xanh tràn lan hiện nay. Hiện tại, các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê như Brazil, Indonesia, Hiệp hội Cà phê đặc sản Châu Phi đều đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu và khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản.
  • Vậy, việc phát triển cà phê đặc sản nước ta về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt và cà phê đã được cấp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Cuộc thi Cà phê Đặc sản lần đầu tiên tại Việt Nam.

  • Cà phê là ngành kinh tế chủ lực của Tỉnh, là một trong những nông sản ấn tượng của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Trong đó, Buôn Ma Thuột là “thủ phủ cà phê” của cả nước. Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019” được chọn là hoạt động tiêu điểm trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản; giới thiệu cà phê nhân đặc sản Việt Nam đến người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước; kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất Cà phê đặc sản; bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và gia tăng giá trị cho Cà phê đặc sản Việt Nam; tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc không ngừng nâng cao chất lượng cà phê.
  • Ngoài ra, cuộc thi Cà phê đặc sản sẽ góp phần lành mạnh hóa và minh bạch hóa chất lượng cà phê. Từ đó tác động giúp cho toàn bộ cộng đồng cà phê và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về vai trò của cà phê chất lượng cao, trong đó, đỉnh cao là Cà phê đặc sản. Khi người tiêu dùng sử dụng Cà phê đặc sản: đảm bảo sức khỏe, trả giá phù hợp cho chất lượng của cà phê, tạo được văn hóa uống cà phê chất lượng cao.

  • Cuộc thi Cà phê Đặc sản lần thứ nhất diễn ra từ ngày 25/2 - 9/3/2019 tại viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Kết quả sẽ được công bố lúc 15h ngày 9/3 tại khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột. Hiện cuộc thi đã thu hút 31 đơn vị đăng kí tham gia, trong đó, tỉnh Đắk Lắk 13 đơn vị, Đắk Nông 5 đơn vị, Lâm Đồng 6 đơn vị, Gia Lai 1 đơn vị, các tỉnh phía Bắc và Tp. HCM  6 đơn vị. Tỉnh Đắk Lắk còn  cho mở gian hàng trưng bày, thưởng thức và kết nối từ ngày 10-13/3 tại Hội chợ triển làm chuyên ngành cà phê ở số 72 Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột.
  • Làm thế nào để tạo ra cà phê đặc biệt Specialty coffee
  • Specialty coffee tồn tại như một khái niệm khẳng định chất lượng của những hạt cà phê đặc biệt theo cách của riêng nó. Những hạt cà phê phải trải qua quy trình vô cùng nghiêm ngặt trong tất cả các bước để tạo ra một ly cà phê có hương vị thơm ngon nhất. Vậy làm thế nào để tạo ra cà phê đặc biệt Specialty coffee?

Tổng quan về cà phê đặc biệt Specialty coffee?

  • Qua hơn 4 thập kỷ xuất hiện, cà phê đặc biệt Specialty coffee không chỉ là tên gọi đơn thuần của một loại cà phê riêng biệt. Specialty coffee giống như một nhãn dán khẳng định chất lượng cà phê trong lòng những tín đồ cà phê trên toàn thế giới.
  • Để đạt được tiêu chuẩn Specialty coffee, cà phê phải đạt được những yêu cầu nhất định như:

• Có nguồn giống tốt, phần lớn Specialty coffee hiện nay đều là cà phê Arabica
• Được trồng và chăm sóc tại nông trại đạt đủ tiêu chuẩn về nguồn đất, nguồn nước, không khí, độ cao
• Kỹ thuật trồng và chăm sóc tốt
• Thu hái, phân loại quả cà phê
• Chế biến, bảo quản cà phê đúng cách
• Pha chế, chiết suất đúng quy trình
• Đạt điểm Cupping trên 80  (theo tiêu chuẩn của SCAA)

Specialty coffee được hình thành qua mọi công đoạn để tạo nên hạt cà phê thật sự chất lượng. Chỉ cần thiếu đi một yếu tố, hương vị cà phê sẽ thay đổi và nó sẽ không còn là Specialty coffee. Vậy làm thế nào để tạo ra cà phê đặc biệt Specialty coffee?
Làm thế nào để tạo ra cà phê đặc biệt Specialty coffee?


2.1. Trồng và thu hoạch Specialty coffee

  • Không phải hạt cà phê Arabica nào cũng là Specialty Coffee, một số giống Arabica cho chất lượng hạt rất tốt tuy nhiên ở cùng điều kiện phát triển và chăm sóc, một số giống cà phê Arabica cho chất lượng hạt kém hơn hẳn. Theo tiêu chuẩn đề ra của Hiệp hội Cà phê chất lượng cao của Mỹ (SCAA), chỉ có khoảng 10% giống cà phê Arabica trên thế giới hiện nay đáp ứng được tiêu chuẩn để có thể tạo ra Specialty coffee. Bởi vậy, người ta lựa chọn giống cà phê vô cùng kỹ càng trước khi bắt tay vào tạo ra cà phê đặc biệt.
  • Độ cao, nguồn nước, không khí,… đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê. Để hạt cà phê đạt chất lượng tốt nhất, nông trại trồng cà phê cần đạt các tiêu chuẩn về độ cao, nguồn nước sạch, không khí trong lành, ở xa khu dân cư hoặc các khu công nghiệp,…
  • Bên cạnh đó, quy trình trồng và chăm sóc cà phê cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định chất lượng hạt cà phê. Khi đến mùa thu hoạch, các trang trại thông thường thu hoạch theo cách tuốt cành. Cách thu hoạch này có ưu điểm lớn là tiết kiệm thời gian, tuy nhiên thu hoạch cả quả chín và quả còn xanh dẫn đến chất lượng hạt cà phê không đồng đều. Để khắc phục vấn đề này, tất cả các trang trại sản xuất Specialty coffee đều tiến hành thu hoạch cà phê bằng cách hái tay. Cà phê được thu hoạch tại đúng thời điểm quả chín vừa đủ, chất lượng hạt đồng đều, hạt được phân loại tốt hơn.

2.2. Chế biến cà phê đặc biệt Specialty coffee

  • Để đảm bảo giữ được chất lượng cùng hương vị tốt nhất, quả cà phê sau khi được thu hái sẽ được đưa vào công đoạn chế biến trong thời gian sớm nhất.Tất cả Specialty coffee đều được chế biến ướt. Để cà phê không bị tổn hại và có bất cứ tác động xấu nào tới chất lượng, mọi công đoạn từ xay xát tách vỏ, lên men hay sấy khô đều được tuân theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt, xử lý cẩn thận. Kỹ thuật chế biến cà phê đặc sản Specialty coffee khá phức tạp và có nhiều yếu tố cần được kiểm soát. Ở giai đoạn lên men, thời gian và nhiệt độ là những yếu tố quan trọng và cần chú ý. Thời gian sấy cà phê cũng cần điều chỉnh hợp lý, không sấy quá nhanh hoặc quá chậm tránh cà phê không khô đều hoặc có thể bị tái ẩm trong thời gian bảo quản sau này.
  • Sau khi chế biến, cà phê được sàng lọc và phân loại lại theo kích thước, trọng lượng. Đây là khâu vô cùng quan trọng để sàng lọc những hạt cà phê thơm ngon bậc nhất để tạo nên Specialty Coffee. Những hạt cà phê không đạt tiêu chuẩn về màu sắc hoặc những hạt hỏng sẽ bị loại bỏ.
  • Cà phê được bảo quản cẩn thận để chuyển sang các giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cà phê nên cần cực kỳ cẩn thận các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, bao bì và phương thức bảo quản. Chỉ cần một sai lầm nhỏ trong bất cứ yếu tố nào cũng có thể làm suy giảm chất lượng hương vị của cà phê.

2.3. Rang cà phê đặc biệt Specialty Coffee

  • Từ những hạt cà phê nhân thô đến những hạt cà phê rang thơm lừng là cả một giai đoạn chuyển tiếp đầy thử thách. Trước khi được đem rang, người ta sẽ phải kiểm tra và chọn lọc hạt cà phê nhân thô bằng các mẫu thử. Sàng lọc bằng mùi vị và màu sắc thêm một lần nữa được tiến hành để đảm bảo hương vị cà phê chuẩn nhất. Sau đó, hạt cà phê sẽ được kiểm tra chất lượng thêm một lần nữa sau khi rang. Nếu các mẫu thử này đạt yêu cầu chất lượng, toàn bộ số hạt cà phê còn lại sẽ được rang ở nhiệt độ khoảng 230 – 260 độ C.Trong quá trình rang, thợ rang sẽ dựa vào phẩm chất hạt cà phê để điều chỉnh nhằm phát triển được hương vị ngon nhất của cà phê Specialty Coffee.
  • Mùi thơm của cà phê sẽ bay dần khi thời gian trôi qua lâu, bởi vậy cần bảo quản Specialty coffee rất cẩn thận.

2.4. Xay và pha chế cà phê đặc biệt Specialty coffee

  • Những hạt cà phê chất lượng cao được xay ngay trước khi pha chế và chiết suất. Mùi hương của cà phê sẽ được giải phóng khi hạt cà phê vỡ ra và xay nhuyễn, giúp những tách cà phê có hương vị chuẩn nhất. Bạn không nên xay cà phê sẵn và bảo quản bởi khi diện tích tiếp xúc của cà phê và không khí được gia tăng, mùi hương của cà phê sẽ phát tán và bay đi nhanh chóng hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu được công bố, chỉ 15 phút sau khi được xay, cà phê đã mất tới 60% hương vị vốn có của nó. Vì vậy, bạn cần đảm bảo độ tươi của cà phê trước khi pha chế.
  • Có nhiều cách pha chế cho một ly cà phê đặc biệt Specialty coffee ngon. Tùy thuộc vào cách pha chế, độ mịn của bột cà phê cũng nên được điều chỉnh thích hợp. Tuy nhiên, dù cho pha chế bằng cách nào, bạn vẫn phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn về chất lượng bước, nhiệt độ, áp suất, tỷ lệ nước và bột cà phê,… để có một ly Specialty coffee trọn vị nhất.
  • Điểm đặc biệt nhất của Specialty coffee là không phải tuân thủ tất cả tiêu chuẩn trên thì cà phê của bạn đã là Specialty coffee. Yếu tố giúp Specialty coffee được công nhận chính là điểm Cupping đạt trên 80 điểm.
  • Để tạo ra cà phê đặc biệt Specialty coffee là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và cả tình yêu với cà phê của một đội ngũ. Đó là lý do vì sao Specialty coffee đã dẫn đầu thống trị qua nhiều thập kỷ.
  • Specialty Coffee (Cà phê Đặc sản) vs Cà phê “third wave”
  • Nhiều người cho rằng các Cửa hàng Specialty Coffee và Cửa hàng cà phê “third wave” là cùng 1 loại. Tuy nhiên, có thật sự là vậy?
  • Kris Schackman, nhà sáng lập ra Five Elephant Coffee tại Berlin, chia sẻ với chúng tôi rằng, “Hãy tưởng tượng bạn đi xem phim mà ở đó Cà phê Đặc sản chính là hình ảnh, bộ phim bạn đang xem, và cà phê “third wave” được ví như rạp chiếu phim mà bạn đến để xem bộ phim đó.
  • Vẫn còn quá mông lung? Viktor Dobai, nhà đồng sáng lập dịch vụ cung cấp cà phê định kì Bean Bros, đưa ra một ví dụ cụ thể hơn: “Cà phê “third wave” tạo nên ý nghĩa cho ly cà phê mà bạn đang thưởng thức. Bạn có thể biết được chính xác xuất xứ của hạt cà phê, danh tính người trồng cà phê, quy trình xử lý hạt cà phê sau thu hoạch. Loại cà phê này phản ánh câu chuyện ẩn chứa phía sau nó”.
  • Nếu cà phê được xem là đặc sản thì những đặc điểm tạo nên loại cà phê đấy được gọi là “third wave”. Ví như trong cách pha chế cà phê, SCA đưa ra những tiêu chuẩn về liều lượng, nhiệt độ, thời gian tiếp xúc và hơn thế nữa.
  • Thế nhưng đâu mới là xu hướng pha chế cà phê thủ công, cà phê đặc sản hay cà phê “third wave”? Liệu nhu cầu thỏa mãn về hương vị của cà phê có thật sự đa dạng? Khoảnh khắc khi các bã cà phê lần đầu phản ứng với nước là minh chứng cho sự thành công rực rỡ của quá trình sản xuất cà phê? Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận về những điều này.
  • Phải chăng “third wave” tạo nên một định nghĩa sai lệch về "Specialty”?
  • Trong khi Specialty Coffee (Cà phê Đặc sản) và “third wave” không thuộc cùng một phạm trù, chúng có thể trở thành phần bù của nhau. Tuy nhiên, Kris nói rằng, “Đối với một số người “third wave” rất khó để cảm nhận, như thể loại cà phê này không dành cho họ, chúng ta đều không muốn khách hàng của mình có những nhận định như thế”.
  • Anh ấy không phải là người duy nhất đề cập đến vấn đề này. Sebastián Villamizar, người quản lý quan hệ khách hàng của trang trại và cửa hàng cà phê La Palma y El Tucán tại Columbia, chia sẻ rằng, “Bạn có thể pha chế cà phê 86+ một cách hoàn hảo, nhưng nếu khách hàng không thể hiểu rõ bản chất của loại cà phê ấy thì chất lượng cà phê có tốt đến đâu cũng là vô nghĩa. Chúng ta cần có các công cụ và thông tin cụ thể để truyền tải nó đến khách hàng. Chúng ta cần phải xác định rõ điều này.
  • Những nhận định khác nhau về Specialty Coffee
  • Bạn sẽ có thể tìm thấy rất nhiều định nghĩa về cà phê đặc sản trên toàn thế giới. Và trong khi các chuyên gia cà phê đặc sản tuân thủ những nguyên tắc khắt khe từ SCA, các quan điểm khác nhau này có thể giúp chúng ta hiểu được vai trò của cà phê trong đời sống và văn hóa của con người.
  • Viktor nghĩ rằng, đa số người cho rằng cà phê đặc sản chỉ đơn giản là một loại cà phê ngon. Anh nói thêm, “Thật sự có rất nhiều nhận định, ý kiến về ý nghĩa của một loại cà phê ngon, cách lưu trữ, rang, pha thế nào để có được một ly cà phê tuyệt hảo”.
  • Sajiad Navader, nhà bán lẻ cà phê đặc sản và các thiết bị cà phê tại Iran, nghĩ rằng mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những nhận định riêng của họ về vấn đề này.
  • Tương tự, Carlos cho rằng, “Nếu bạn nói về cà phê như một loại đồ uống, hay nơi chốn, một cửa hàng cà phê, cách mà mọi người nhìn nhận về nó khác nhau ngay chính trong một thành phố chứ không cần phải xét trên phạm vi của những quốc gia khác nhau!”.
  • Herbert đồng ý và cũng chỉ ra những điểm khác nhau trong định nghĩa về cà phê đặc sản ở các quốc gia trồng cà phê và quốc gia tiêu thụ cà phê. Anh thừa nhận rằng nhìn chung vẫn chưa đủ thông tin giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ để ta có thể khẳng định bất cứ điều gì.
  • Hiểu thêm về Specialty Coffee 
  • Khi Sebastián trò chuyện cùng các nhà sản xuất cà phê khắp Trung Mỹ, anh ta tin rằng họ có cùng nhận định về cà phê đặc sản. “Chúng ta có chung một ngôn ngữ”, anh ấy nói. Anh ấy cũng cho biết rằng, với tư cách là những nhà sản xuất, sứ mệnh của họ là “giáo dục” mọi người về cà phê. Anh ấy nhận ra rằng không phải lúc nào các nhà sản xuất cũng có đầy đủ thông tin và công cụ để đánh giá chất lượng cà phê của họ.
  • Herbert khá đồng tình với nhận định này.Anh ấy bộc bạch rằng đôi lúc người ta chỉ kiểm soát chất lượng cà phê bằng thị giác. “Nếu hạt cà phê trông đẹp mắt, thì có thể khẳng định loại cà phê này là đạt chuẩn. Nhưng điều này vẫn chưa đủ!”
  • Sebastián chia sẻ rằng sẽ rất tốt nếu mọi người đều hiểu về cupping coffee, phương pháp pha chế cà phê và áp dụng nó vào quy trình sản xuất cà phê.
  • Mặt khác, Kris cho rằng đây là thử thách đối với mỗi cá nhân khi phải truyền tải thông điệp về cà phê cho những người chưa bao giờ đặt chân đến nông trại. “Thật sự rất khó để hiểu nếu ta chưa từng trải nghiệm nó”, anh giải thích.
  • Tuy vậy, anh chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông rất có lợi. Nó giúp khách hàng nắm bắt được câu chuyện đằng sau ly cà phê, và giúp các nhà sản xuất truyền đạt thông tin tốt hơn.
  • Octavio Ruiz, nhà sáng lập của Almanegra Café tại Mexico, khẳng định chìa khóa trong cách mang ý nghĩa của sản phẩm đến với khách hàng chính là: “Bạn phải xây dựng mối quan hệ với những nhà sản xuất, người nông dân và các nhà tiêu thụ,..Xây dựng mối quan hệ với những người tìm kiếm chất lượng trong cà phê, và rồi bạn sẽ lĩnh hội được những khó khăn, vất vả trong câu chuyện đằng sau ly cà phê ấy”.
  • Chúng ta đã nghe rất nhiều các định nghĩa phức tạp về Cà phê Đặc sản. Tuy nhiên, sau tất cả, điều ưu tiên duy nhất vẫn là sự cố gắng sáng tạo nên một loại cà phê ngon. Dù cho quy trình thu hoạch và xử lý có cẩn thận đến đâu, những Q-graders tìm kiếm những công thức làm ra các hương vị cà phê mới lạ, phức tạp, các nhà rang chọn lựa những công thức rang cà phê khác nhau, hay người pha chế cẩn thận sắp đặt từng thiết bị trong quy trình pha chế cà phê, thì mục đích cho các việc này là như nhau.

                                                                                                                            Nguồn (Sưu tầm) 

Về trang chủ 

Bài viết khác